Làm việc trong không gian hạn chế là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đòi hỏi người lao động khi làm việc trong không gian hạn chế phải được huấn luyện đào tạo về các kỹ năng và nắm rõ các quy định của Nhà nước khi thực  hiện công việc này. Ngày 25/12/2018 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  đã ban hành Thông tư số 29/2018/TT – BLĐTBXH Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế để  các tổ chức, cán nhân có sử dụng người lao động làm việc trong không gian hạn chế thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo về an toàn lao động tại các  cơ sở lao động tránh tai nạn, thương vong.

Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong không gian hạn chế là những yếu tố có thể gây ra chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược, bệnh nghề nghiệp (cấp tính hoặc mãn tính) cho con người nếu vào bên trong không gian hạn chế đó, bao gồm:

– Hàm lượng oxy trong không khí không đủ để cung cấp cho người vào làm việc bên trong (nhỏ hơn 19,5% so với thể tích bên trong không gian hạn chế);

– Không khí có chứa chất độc hoặc chất nguy hiểm có thể xâm nhập qua hệ hô hấp của con người (chất độc và chất nguy hiểm ở dạng khí, hơi hoặc bụi);

– Hóa chất có khả năng gây ra phơi nhiễm hóa chất do tiếp xúc qua da;

– Các chất dễ cháy nổ có thể tồn tại ở dạng rắn, lỏng, bụi, hơi hoặc khí nếu gặp nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ;

– Các dòng vật chất không mong muốn từ bên ngoài (rắn, bột, lỏng, khí, hơi) chảy vào không gian hạn chế nơi có người đang ở bên trong, do biện pháp ngăn cách, cô lập không đảm bảo;

– Tiếng ồn vượt quá ngưỡng cho phép;

– Các bộ phận chuyển động và các vật có thể rơi gây va đập, thương tích cho người bên trong không gian hạn chế như: Bức xạ tử ngoại; Bức xạ tia X; Bức xạ ion hóa; Các phần tử mang điện, nguồn điện thiếu kiểm soát dẫn đến điện giật; Khả năng nhìn của người lao động bị hạn chế; Biến dạng không gian gây mất an toàn; Vi sinh vật có hại.

Chính vì vậy những yêu cầu và biện pháp kiểm soát chung khi làm việc trong không gian hạn chế gồm:

  1. Chuẩn bị không gian làm việc

– Xả áp và các nguồn năng lượng liên quan đồng thời cô lập các nguồn năng lượng nối với không gian hạn chế.

– Thông gió

– Làm sạch bằng nước nếu có thể và làm lạnh nếu không gian đó là không gian nóng

– Kiểm tra kích thước lối vào

  • Đo khí và giám sát khí trong không gian hạn chế

– Việc kiểm tra khí ban đầu được thực hiện từ bên ngoài trước khi người lao động vào làm việc.

– Kiểm tra khí ở tất cả các vị trí/lớp không khí (Chỉ những người được đào tạo mới được đo và giám sát khí, thiết bị đo khí cần phải được hiệu chuẩn và kiểm tra trước khi đo)

– Kết quả đo khí cần được ghi chép và lưu lại

– Người lao động cần đeo thiết bị đo khí cá nhân suốt quá trình làm việc trong không gian hạn chế

  • Yêu cầu đối với người vào làm việc trong không gian hạn chế

– Được huấn luyện đào tạo

– Đủ sức khỏe cả về tinh thần và thể chất

– Biết rõ cấu trúc của khu vực làm việc và biết rõ lối ra vào

– Biết sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cung cấp

– Duy trì trao đổi thông tin liên lạc với người bên ngoài, tuân thủ chỉ dẫn của người trực bên ngoài

  • Người trực bên ngoài không gian hạn chế

– Luôn trực ở bên ngoài  không rời vị trí cho đến khi có người thay thế

– Hiểu rõ các mối nguy và các rủi ro có thể phát sinh

– Giữ liên lạc và theo dõi với người làm việc bên trong

– Yêu cầu người bên trong ra ngoài khi cần thiết

– Giữ hồ sơ liên quan như: danh sách người ra vào, kết quả đo khí

– Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp nếu xảy ra sự cố

  • Giấy phép làm việc

– Nội dung công việc, vị trí làm việc và các mối nguy liên quan

– Ngày làm việc và thời gian cấp phép làm việc

– Giấy phép được phê duyệt bởi người có thẩm quyền (người giám sát, chỉ huy, tên công nhân

– Giấy phép phải được đặt tại nơi làm việc và lưu giữ tại cơ sở ít nhất 01 năm

– Kết quả đo, kiểm tra không khí trong không gian hạn chế trước khi cấp phép và các yêu cầu bổ sung khác.

Luôn thực hiện “Không có giấy phép, không làm việc trong không gian hạn chế”

Ngoài các điều  trên cơ sở sản xuất còn phải lưu ý về việc phải chuẩn bị các thiết bị sử dụng trong không gian hạn chế như: các thiết bị chiếu sáng, thiết bị liên lạc, thiết bị bảo hộ không tích năng lượng, các thiết bị trên không phát sinh tia lửa điện. Các kế hoạch ứng cứu sự cố trong không gian hạn chế (các phương tiện hỗ  trợ, tiếp cận, cứu hộ trong không gian hạn chế). Diễn tập ứng cứu các tình huống giả định có thể xảy ra khi làm việc trong không gian hạn chế.

Bài viết liên quan