Ngoài sức khỏe thì tai nạn lao động còn ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người lao động trong suốt thời gian điều trị thương tật. Vậy làm thế nào để nhận được sự hỗ trợ sớm nhất từ chế độ tai nạn lao động nhằm giải quyết khó khăn này?
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động
Để hưởng chế độ tai nạn lao động, trước hết, người lao động cần chuẩn bị đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định cụ thể hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động;
- Biên bản điều tra tai nạn lao động,
- Biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông trong trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động;
- Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có);
- Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê nội dung giám định nếu thanh toán phí giám định y khoa.
Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động
Sau khi có đủ giấy tờ nêu trên, người lao động hoặc thân nhân người lao động phải nộp ngay hồ sơ cho người sử dụng lao động.
Theo Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Như vậy, chỉ trong 40 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cho người sử dụng lao động, người lao động đã có thể nhận được các khoản hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.